Người mẹ có thể không giỏi, không có nhiều kiến thức, không có cấp bậc trong xã hội, nhưng điều quyết định sự nuôi dưỡng tốt nhất cho trẻ không nằm ở những điều đó mà nằm ở cảm xúc ôn hoà của người mẹ.
Đứa trẻ sinh ra không biết đòi hỏi ba mẹ mình phải giàu có thì mới được gọi là được “sinh ra từ vạch đích”. Hoặc trẻ phải được sinh ra trong môi trường giáo dục tiên tiến thì mới “thành người”.
Nhưng khi đứa trẻ ngây thơ được sinh ra, vòng tay của mẹ, cái ôm của mẹ, tình yêu của mẹ là niềm hạnh phúc lớn lao và an toàn nhất. Đối với con trẻ mẹ là cả thế giới, vì vậy chỉ cần cảm xúc ôn hoà của mẹ đứa trẻ đã có thể trở thành một người hạnh phúc.
Một đứa trẻ có được một người mẹ ôn hoà, chính là đứa trẻ may mắn nhất. Có câu nói thế này “Giáo dục vĩ đại nhất là cảm xúc ôn hoà của người mẹ”. Cảm xúc của người mẹ chính là sự giáo dục để con trưởng thành cả về thể chất và tâm hồn.
Con cần một người mẹ Điềm Tĩnh
Có một số người mẹ rất nhanh nhạy trong việc nhận định về con mình, con có điểm mạnh gì, điểm yếu gì người mẹ đều nắm bắt được. Điều đó rất tốt nhưng một số người mẹ vì như vậy nên quá nhạy cảm và dễ bị những điều đó ảnh hưởng và chi phối đến cảm xúc của mình. Rồi có thể sẽ xoắn lên khi con mình thiếu kỹ năng nào đó, hoặc bất an khi con không đạt được thành tựu gì.
Đơn cử như ngay khi con được sinh ra, sự so sánh về cân nặng, những mốc phát triển nhanh chậm của con cũng được đem ra so sánh với “con nhà người ta”. Một người mẹ nhìn thấy khuyết điểm của con liền bị động, liền rối loạn sẽ khiến đứa trẻ sống trong lo lắng bất ổn về cảm xúc.Con cần mẹ tin tưởng, bảo vệ và nuôi dưỡng. Nhìn thấy khuyết điểm của con mà không rối loạn vẫn điềm tĩnh vẫn tin tưởng là động lực để con trưởng thành.
Sau khi sinh được bốn tháng, Kai bị khởi phát eczema nặng, mọi người xung quanh nhìn thấy em đều chỉ trỏ bàn tán có khi thì xa lánh. Người thân trong gia đình nhìn thấy Kai thì xót lòng, ai cũng tỏ vẻ cảm thương “tội em quá!”, “thương em quá!” “giờ làm sao đây?” “sao bị hoài vậy?”v.v… hầu hết đều là những lời cảm thán dành cho Kai. Kai lúc đó tuy chỉ mới vài tháng tuổi nhưng cảm nhận rất rõ ràng sự cảm thương từ những người xung quanh và khuôn mặt Kai rất buồn mỗi khi ai đó nói điều đó.
Là mẹ, mình xót con chứ, con đau mình cũng đau chứ, cũng bấn loạn chứ, cũng mình khóc rất nhiều, nhưng đều không để con thấy mình khóc. Trước mặt con, mình luôn là một người bình tĩnh. Ai đó nói: “sao tội con thế!” là mình liền gạt ngay: “con có sao đâu, mấy cái nốt đỏ này sẽ hết ngay thôi.” Có vẻ như lời mẹ nói là con thuyền vững chắc cho đứa trẻ giữa sóng gió bấp bênh ngoài kia.
Khi mẹ nói Kai sẽ hết thôi, Kai có một niềm tin vững chắc vào lời của mẹ rằng mình sẽ hết khó chịu. Vậy là mẹ con mình an toàn trải qua chín tháng eczema dạng nặng mà bác sĩ chỉ lắc đầu và tuyên bố may mắn thì đến dậy thì mới hết. Sự bình tĩnh không chênh vênh của mẹ, sự điềm tĩnh không bấn loạn với những vấn đề của con, tạo một niềm tin mãnh liệt và đã tạo ra kỳ tích cho cả hai mẹ con nhà Kai.
Tôi hiểu ra, một người mẹ điềm tĩnh mới đem lại cho con cảm giác an toàn. Rằng ngoài kia dù giông tố như thế nào, cả thế giới của con là mẹ nên mẹ tin tưởng con, bảo vệ con là đủ. Sự điềm tĩnh của mẹ là môi trường và động lực lớn nhất để con trưởng thành.
Con cần một người mẹ Mềm Mại
Bạn biết không? Trước mặt con, một người mẹ có thể thể hiện được sự yếu mềm của mình sẽ xây dựng một sự tự tin cực lớn cho con trẻ.
Người mẹ mạnh mẽ thường ôm hết việc vào mình. Khi con làm điều gì đó, người mẹ mạnh mẽ sẽ “dành” làm cho nhanh, hoặc làm giúp con. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu với con, nhưng liệu tình yêu đó có khiến con trẻ xây dựng được sự tự tin hay không?
Sự tự tin và năng lực giải quyết tình huống trước những khó khăn mới có thể đem lại sự trưởng thành cho trẻ. Một đứa trẻ được mẹ lo lắng chu toàn đầy đủ, khi đứng trước những trở ngại trong cuộc sống sẽ loay hoay khổ sở mà không biết cách vượt qua.
Một người mẹ mềm mại, thể hiện sự yếu mềm trước con nhỏ, sẽ khiến con nhỏ biết quan tâm đến người xung quanh hơn là quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Một ngày bạn đau lưng nhưng vẫn phải dọn dẹp, đứa con tuổi trưởng thành vẫn ngồi xem Tivi cười hả hả mà không mảy may quan tâm.
Liệu có phải rằng trong tuổi thơ ấu của trẻ, bạn đã làm hết cho trẻ mà không cho trẻ biết mình cũng cần sự giúp đỡ. Xây dựng sự quan tâm lòng trắc ẩn của trẻ không khó. Khó ở chỗ bạn đã dành hết cơ hội để trẻ có thể bộc lộ lòng trắc ẩn của mình. Rồi sau con lớn lại trách con sao vô tâm ích kỷ.
Kai 2 tuổi đã tự biết pha trà (trà trái cây cho trẻ con). Lúc đầu Kai làm cũng vụn về, trà đổ tung toé, nước tràn lan. Mình cũng kệ, chỉ lúc con làm xong thì bảo con lấy khăn lau dọn. Mọi người bảo sao mình không làm giúp, để con làm nhìn bầy hầy quá. Sau nhiều lần thất bại, Kai đã tự làm rất hoàn hảo, biết định lượng mức nước, cân đo đong đếm liều lượng trà sao cho phù hợp với lượng nước. lúc này mọi người không nói nữa, chỉ khen sao Kai giỏi thế. Không có cơ hội luyện tập, thì người giỏi cũng thành người dở.Mình thường nhờ Kai giúp việc này, làm việc kia, trẻ con đang muốn khẳng định bản thân nên rất vui vẻ làm giúp mẹ.
Mình cũng tạo cơ hội để lười và nhờ con giúp. Con rất vui và tự hào vì có thể giúp mẹ. Lòng tự tin và năng lực của trẻ cũng dần được lớn lên.
Có lần ra ngoài ăn quán, vì ngồi ghế cao nên Kai tháo giày ra, lát về Kai phải tự xỏ giày lại. Kai ngồi xuống sàn xỏ rất lâu nhưng vẫn không được, mình chỉ đứng bên cạnh chờ đợi và tin tưởng con sẽ làm được. Mọi người xung quanh, thấy Kai loay hoay mãi vẫn không xỏ được giày đều lên tiếng nói mẹ giúp con đi, mình chỉ cười và nói bé tự làm được. Kai biết rõ mẹ tin tưởng mình, và mẹ cũng không giúp nên cố gắng xoay xở cuối cùng cũng thành công, Kai vui vẻ bước ra khỏi quán còn mẹ không khỏi tự hào.
Đôi khi một người mẹ quá mạnh mẽ sẽ là rào cản cho sự phát triển của trẻ, một người mẹ mềm yếu để con tự làm, dẫu có trầy truột nhưng lại là điều kiện tốt cho trẻ được trưởng thành và xây dựng lòng tự tin ở trẻ.
Trẻ cần một người mẹ Hiền Từ
Một đứa trẻ sống trong sự quát tháo ầm ĩ mỗi ngày chỉ khiến cho đứa trẻ sợ hãi và mệt mỏi. Cuộc sống bỗng chốc trở thành gánh nặng. Có hoa nào trụ nổi trong những ngày bão tuyết?
Một đứa trẻ hạnh phúc không thể suốt ngày sống trong sự mắng mỏ khó chịu của người mẹ. Trong môi trường như vậy, trẻ chỉ có thể tự đóng băng bản thân để bảo vệ mình khỏi nỗi sợ ầm ĩ đó. Một người mẹ hiền từ bao dung sẽ khiến trẻ an nhiên lạc quan.
Một ngày tôi làm rơi chiếc nhẫn cưới vào bồn cầu, tôi nói với chồng anh chỉ âm thầm đi vào toilet và tìm kiếm cho tôi, không tìm ra anh cũng không trách mắng, tôi hỏi anh không trách em sao? Chồng tôi chỉ đơn giản trả lời: “rớt rồi thì thôi sao phải trách em, không phải chỉ là chiếc nhẫn thôi sao.”
Một lần tôi đi ăn với bạn, vì sự đểnh đoảng của mình tôi bị mất túi, trong đó có nhiều đồ vật giá trị. Tôi về báo với chồng, anh chỉ nhẹ nhàng đáp trả: “may mắn là anh chưa mất em. Em mất gì sau này anh mua lại cho em.” Tôi cảm thấy mình có giá trị rất lớn với chồng mình.
Tôi nhớ, lúc nhỏ tôi đi qua nhà bạn chơi, bị mất xe đạp, về nhà bị ba mẹ la và mãi đến cả năm sau mẹ tôi vẫn nhắc lỗi lầm đó của tôi. Nhà tôi có hai chị em, mỗi lần trong nhà rửa chén bị bể là y như rằng sẽ bị mắng rất nhiều, đến nỗi lần nào mà chén bể mà không phải chúng tôi làm, hai chị em đều cười hí hửng bảo nhau “may quá không phải mình”.
Phải chăng chúng ta tập trung quá nhiều vào lỗi sai của người khác, tiếc chiếc xe, tiếc cái chén mà chúng ta làm tổn thương đến cảm xúc của người kia.
Năm đó tôi có một chiếc điện thoại mới, em gái tôi tò mò nên lấy xem sau đó bị rớt xuống đất và điện thoại không lên được nữa, vì xót cho cái điện thoại mà tôi đã mắng em rất nhiều. Em gái tôi biết lỗi nên chỉ ri rí nói “em không cố ý”.
Khi tôi được chồng đối xử với mình cách nhẹ nhàng như vậy, tôi chợt nhớ lại câu chuyện chiếc điện thoại năm xưa với em gái và cảm thấy vô cùng hối hận, chỉ vì một món đồ vật chất mà xem trọng hơn cả cảm xúc của em mình, nói những điều tổn thương đến em.
Về sau tôi học cách để thay đổi cách của mình với con.
Kai phụ mẹ nấu ăn, dọn bàn ăn cơm, số chén bát Kai làm rớt bể chắc cũng nhiều, lần nào mình cũng chỉ nói con không sao cả, lần sau con cẩn thận hơn nhé. Một lần chúng tôi đi ăn ngoài, Kai là rớt bể ly của nhà hàng, chúng tôi dẫn bé đi xin lỗi và mượn dụng cụ cho Kai dọn dẹp. Các nhân viên nhà hàng ngỏ ý dọn, nhưng chúng tôi để Kai tự dọn, sau đó dọn lại cho sạch sẽ.
Sự khác biệt của đứa bé bên cạnh cùng làm rớt chén là bị mắng tới tấp của cả nhà trước mặt mọi người, nhưng sau cùng vẫn không hề chịu trách nhiệm cho việc làm của mình, nhân viên tới dọn vậy là xong.
Kai thì khác, không trách mắng con, nhưng chúng tôi để con tự chịu trách nhiệm bằng cách dọn dẹp sạch sẽ và tự nói ra lời xin lỗi. Xung quanh nhìn chúng tôi và nhận xét như chúng tôi ác với con, nó nhỏ xíu mà bắt dọn cả mẻ chai.
Bắt một đứa trẻ làm được việc nó có thể làm là ác nhưng la mắng mạt sát đứa trẻ hạ thấp nhân phẩm trẻ trước đám đông làm ảnh hưởng đến tâm lý lại là dạy con sao?
Trong hai đứa trẻ một đứa phải ăn trong sợ hãi, buồn bã còn một đứa sau khi chịu trách nhiệm xong lại tiếp tục vui vẻ tận hưởng thức ăn. Đứa trẻ nào hạnh phúc hơn.
Một người mẹ có thể bỏ qua lỗi lầm của con và đồng hành cùng con khắc phục lỗi lầm mới là người mẹ tạo ra vùng đất tốt cho con sinh trưởng. Không phải cứ la mắng mới là dạy con. Vì la mắng chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ chứ không dạy trẻ tiếp nhận điều gì cả.
Mình nhận ra rằng, người mẹ cần điều tiết cảm xúc của mình, không quá động, không quá mạnh, không quá gắt nhưng ôn hòa, điềm tĩnh, mềm mại, hiền từ mới có thể xây dựng cho trẻ môi trường sống lạnh mạnh.
Trẻ được bao bọc trong cảm xúc an toàn của người mẹ mới chính là sự giáo dục tốt nhất cho trẻ. Trẻ có thể tiến xa được bao nhiêu nằm ở cảm xúc ôn hoà của người mẹ. trong những năm tháng đầu đời, cảm xúc của người mẹ chính là quyết định tính cách, năng lực và sự trưởng thành của của con sau này.
—Sưu tầm—-