NUÔI DƯỠNG NHỮNG ĐỨA TRẺ TỰ TIN VÀ CHỦ ĐỘNG 1. Những cái loa nhắc việc
Câu chuyện thứ nhất Mình còn nhớ chuyện chị bạn thân người Nhật, có hai cậu con trai lên 5 và lên 7. Chị tâm sự rằng chị cảm thấy lo lắng cho cậu con trai lớn hơn là cậu em, bởi cậu em chủ động hơn trong suy nghĩ và hành động. Ví dụ, khi hai anh em cùng mẹ tham gia các buổi workshop cho trẻ em, cậu anh luôn miệng hỏi mẹ: “Mẹ ơi mình nên đi đâu? Mẹ ơi mình nên làm gì?”, trong khi cậu em biết rõ mình thích chơi cái này, cái kia.
Câu chuyện thứ haiTrong buổi tập huấn cho giáo viên trường mầm non Tsubaki về rèn tính tự lập cho trẻ, có giáo viên lớp 4 đến 5 tuổi tâm sự: “Hằng ngày trẻ đến trường phải tự mở cặp lấy sổ liên lạc, tự cất chăn gối, cốc, bàn chải, khăn mặt, nhưng sáng nào cô cũng phải nhắc thì trẻ mới làm chứ không chủ động chị ạ.”
Câu chuyện thứ 3Được cha mẹ cho đến công viên, nhiều trẻ không biết chơi gì, cứ đứng im một chỗ hoặc bám lấy cha mẹ. Xung quanh có một đống đồ chơi hay chẳng có gì, với những em bé này, cũng đều như nhau, vì các bé không biết bắt đầu từ đâu, chọn chơi cái gì, không biết mình muốn gì.
Câu chuyện thứ 4Có một lần cậu bạn hỏi mình về chuyện con gái học lớp 1 nhưng chưa có thói quen chủ động trong việc học và việc cá nhân, cái gì cũng thường phải để nhắc mới làm.Những đứa trẻ trong 4 câu chuyện trên có chung đặc điểm: Chúng là “những đứa trẻ thụ động.” hoặc là những đứa trẻ thích “ì”. Bố mẹ luôn than thở “Không nhắc thì nó không làm”, và càng nhắc thì càng ì, cứ như thế tạo thành một vòng luẩn quẩn. Lỗi thường không phải do đứa trẻ, mà đơn giản vì đứa trẻ luôn có không chỉ một mà rất nhiều cái loa để nhắc việc rồi, chúng đâu cần phải tự mình suy nghĩ xem mình cần phải làm gì nữa. Mình nghĩ rằng tình trạng đó xảy ra ở rất nhiều gia đình hiện đại cả Nhật lẫn Việt, cả Tây lẫn Ta.2. Khi người lớn thích trẻ “đặt đâu ngồi đấy”
“Những đứa trẻ thụ động” quen với việc mọi thứ đều có người nghĩ hộ. Ở nhà thì làm theo mệnh lệnh của cha mẹ từ những việc nhỏ nhất: “Con ăn đi!” “Con đi học đi!” “Con đi tắm đi!” “Con cầm như thế này này!” “Con xỏ giày chưa?” “Mặc quần áo vào…” Đến trường thì giáo viên cũng nhắc: “Con ngồi vào chỗ.” “Con cất giày, ba lô đi.” “Con chơi cái này này.” Thay vì chờ đợi để trẻ tự nghĩ ra điều mình nên làm, người lớn nhắc cụ thể từng việc, thành ra đứa trẻ mất đi cơ hội được tự suy nghĩ, phán đoán và hành động.Trong câu chuyện của chị bạn tôi, vì sao cậu anh trai có xu hướng dựa dẫm hơn em? Có lẽ bởi với con đầu, cha mẹ sát sao mọi việc của con hơn bé thứ hai, bảo bọc, quan tâm con thái quá.Những đứa trẻ sống như được lập trình sẵn, không cần suy nghĩ phải làm gì tiếp theo, lâu dần sẽ mất đi tính tự chủ và trở nên thụ động. Trong một lần trò chuyện với chị N – giảng viên các khoá học rèn kĩ năng cho thanh niên – chị kể với tôi rằng phần lớn những bạn tìm đến các khoá học của chị đều “không biết mình nên làm gì”. Nhiều bạn bế tắc vì chẳng biết bản thân muốn gì. Cuộc sống của các bạn đã được cha mẹ tính toán hộ: thi vào đâu, học cái gì… để rồi cảm thấy chán nản vì phải học cái mình không thích, làm ngành mình không đam mê.3. Thay vì nhắc việc, hãy đặt câu hỏi hoặc im lặng chờ đợi trẻ tự làmNhiều cha mẹ than thở rằng họ không muốn lúc nào cũng phải la mắng, nhưng trẻ đâu có chịu tự giác, đành phải nhắc cho nhớ.
Nhưng nhắc nhiều quá lại phản tác dụng, khiến trẻ “nhờn”. Mỗi khi Bon không nhớ hoặc làm sai thứ tự các việc, tôi thường đặt câu hỏi để con suy nghĩ. Đặt câu hỏi thay vì nhắc nhở ngay sẽ giúp trẻ suy nghĩ và nhớ lâu hơn những việc mình cần làm. Mỗi khi về nhà, câu đầu tiên hai mẹ con tôi nói khi mở cửa là: “Xin chào ngôi nhà thân yêu. Tớ đã về đây!” Sau đó tôi xếp giày đúng nơi quy định và hỏi Bon: “Tiếp theo mình làm gì con nhỉ?” Bon sẽ nhớ ngay ra: “Phải cất giày!” Dần dần, cu cậu quen nếp, không cần mẹ phải hỏi nữa. Tuy nhiên, thi thoảng con mải chơi, vẫn vứt giày lung tung. Khi ấy, tôi lại hỏi: “Ơ Bon ơi, hôm nay đôi giày này chưa được cất gọn thì phải?” Bon chạy đến cất liền.Chuyện đánh răng rửa mặt cũng thế. Thay vì nhắc Bon, tôi gợi ý: “Tỉnh dậy xong mình làm gì cho sảng khoái nhỉ?” “Mình sẽ đi vệ sinh và đánh răng rửa mặt ạ.” Muốn Bon dọn đồ chơi, tôi hỏi: “Đến giờ ăn cơm rồi, mình làm gì Bon nhỉ?” chứ không ép con phải cất đồ chơi. Cho con đi xe đạp ra công viên, tôi hỏi: “Đến trước ngã tư thì mình phải làm gì?” “Sang đường chỗ này có được không nhỉ?” để con nhớ những quy tắc khi tham gia giao thông. Khi con đã nhớ và thực hiện tốt các quy tắc, mẹ không cần phải nhắc nữa.4. Cho con một khung thời khoá biểu, thị giác hoá những công việc cần làm
Để không phải nhắc nhở Bon mình đã chụp ảnh rồi dán lên tường những việc con cần làm để con nhìn vào đó. Và nhờ có hình ảnh ấy nhắc giúp mình nên có nhiều việc mình không cần phải nói quá nhiều với con.Đừng “ca bài ca muôn thuở”, hãy nói ít nhưng nhấn mạnh: “Mẹ chỉ nói một lần duy nhất thôi nhé!”, trẻ sẽ tập trung lắng nghe. Nếu trẻ chần chừ không chịu làm ngay, cha mẹ có thể hỏi: “Con sẽ làm lúc mấy giờ nào?” để đề ra thời hạn rõ ràng. Với những trẻ lớn, cha mẹ có thể cho trẻ tự lên kế hoạch. Những trẻ đã đi học tiểu học thì có thời khoá biểu rõ ràng cho việc học, bố mẹ có thế cùng con xây dựng thời khoá biểu lịch làm việc nhà, đi kèm với một chiếc đồng hồ bấm giờ trong thời gian đầu con bắt đầu thực hiện.5. Thay vì thúc giục hãy cho con trải nghiệm bài học “Nhân Quả”
Con quên sách vở ở nhà thì đến lớp con có thể bị phạt. Con đi học trễ có thể sẽ phải bị trực nhật một tuần…tất cả những điều ấy sẽ là trải nghiệ giúp trẻ tự mình rút ra bài học cho chính mình. Và quan trọng lúc ấy cha mẹ chỉ cần hỏi con “Con có rút ra bài học nào qua lần này không” thôi chứ không cần phải mắng trẻ đâu.6. Hãy giao phó cho trẻ công việc đóMình nhớ chị Thu Hà mẹ Xu Sim có kể về trải nghiệm giao phó hai con tự mình lên kế hoạch cho một chuyến du lịch.Đó là một cách làm tuyệt vời cho các bạn nhỏ ở lứa tuổi tiểu học để xây dựng tính chủ động cho mình. Nếu hôm nay cả gia đình đi chơi ở đâu đó hãy để trẻ được lên kế hoạch cho việc chơi cái gì thay vì chỉ thị con phải làm theo kế hoạch của cha mẹ.Nếu có nhiều công việc cần phải làm cha mẹ hãy thử gợi ý cho trẻ: “Hôm nay con sẽ làm việc gì trước?”. Khi bạn giao cho đứa trẻ một nhiệm vụ nào đó, chính là bạn đang xây dựng một mối quan hệ tin tưởng vô cùng vững chắc giữa cha mẹ và con cái đó. Khi đã giao phó hãy tin tưởng tuyệt đối, đừng lo sợ con có làm được không, rồi khi con làm sai lại đưa tay ra làm thay cho con thì sẽ chỉ phản tác dụng.7. Để đứa trẻ tự giác-tự chủ-tự tin bố mẹ cần
Mỗi lứa tuổi sẽ cần có cách ứng xử khác nhau. Muốn sau này đứa trẻ tự chủ, tự giác thì rất cần cha mẹ xây dựng thói quen nền móng từ những năm tháng đầu đời.Ở giai đoạn 0-6 tuổi: Bố mẹ cần giác ngộ rằng để đứa trẻ tự giác làm được những việc đó mà mình không còn phải nhắc nữa sẽ phải mất một thời gian rất lâu, thậm chí là cả vài năm. Vì thế điều quan trọng là bố mẹ cần kiên trì follow cùng con trong những thói quen này.Ở giai đoạn tiểu học trở lên: Bạn có biết những học sinh tự tin nhất, chủ động nhất là những học sinh không bao giờ bị cha mẹ thúc giục “Con học bài đi”, các bạn ấy chỉ cần bố mẹ follow theo, sát cánh bên con nhìn và che chở-ủng hộ khi con cần, còn về cơ bản con sẽ được tự mình suy nghĩ, tự mình quyết định. Và sự tự tin được hình thành từ những trải nghiệm tự mình suy nghĩ và tự mình hành động. Đứa trẻ sẽ không có sự tự tin từ những trải nghiệm do bố mẹ lập trình ra hoặc do làm theo điều bố mẹ sắp đặt cả.8. Chuyện của Bon
“Sao mẹ cứ giục con thế nhỉ, để con tự làm chứ!”Ngày nay, rất nhiều cha mẹ quan tâm đến việc giáo dục sớm cho con, nhưng đôi khi, vì muốn uốn nắn con thật tốt, mong con trở thành đứa trẻ nề nếp, cha mẹ can thiệp quá sâu vào các lựa chọn của con, liên tục nhắc nhở, chỉ dẫn.Hồi Bon 3 tuổi 4 tháng, tôi rất hay nhắc Bon: “Con xem xong video ô tô rồi thì đi tắm đi. Con ra đây. Con cởi quần áo ra. Con bỏ quần áo vào giỏ đi.” Bon thấy mẹ nhắc nhiều nên cự nự: “Sao mẹ cứ nhắc con thế nhỉ. Để con tự làm chứ!” Doạ gần đây khi sắp 5 tuổi, anh ấy thấy mẹ làm cho cái gì là sẽ nhắc ngay “Con lớn rồi mẹ để con tự làm chứ”. Mẹ lại phải xin lỗi vì mẹ quên là con trai mẹ đã lớn thật rồi.Từ câu nói của Bon, tôi ngộ ra rất nhiều bài học. Con không thích mẹ kè kè nhắc việc như cái loa, con muốn mẹ bên cạnh hỗ trợ khi con cần và cho con khoảng trống để tự do suy nghĩ và quyết định.
Đây là một phần bài viết trích trong cuốn “Kỉ luật mềm của trái tim”
Nếu các bạn thấy hay và muốn sở hữu cuốn sách để trở thành những người mẹ tốt trong mắt con thì hãy ib hoặc comment shop nhé!
Hãy là người đầu tiên nhận xét “Kỉ luật mềm của trái tim”