Với vai trò là người thầy đầu tiên của trẻ, cha mẹ nên dạy cho con biết chia sẻ yêu thương, giúp đỡ mọi người gặp hoàn cảnh khó khăn. Đó có thể xem là bài học cơ bản đầu tiên để giáo dục trẻ hình thành nhân cách tốt. Có rất nhiều cách để dạy con giúp đỡ người khác bao gồm việc chỉ cho trẻ cách làm thế nào để giúp những người già neo đơn, hướng cho chúng tham gia các hoạt động giúp đỡ cộng đồngcùng với bố mẹ hoặc đơn giản chỉ là hỗ trợ bạn bè khi họ cần giúp đỡ.
Vậy chúng ta cần làm gì để hình thành đức tính tốt đó ở trẻ? Sau đây là một số phương pháp giúp trẻ trở thành một đứa trẻ ngoan, biết quan tâm và giúp đỡ người khác.
Phương pháp 1: Giáo dục trẻ em thông qua các hành động
* Thực hiện hoạt động tình nguyện với con:
Hoạt động tình nguyện được coi là cách tuyệt vời để trẻ phát triển tình cảm với mọi người xung quanh. Vì khi chia sẻ, giúp đỡ, trẻ sẽ tạo dựng thêm nhiều mối quan hệ tốt đẹp. Cùng với con tham gia một số hoạt động tình nguyện để trẻ cảm nhận được niềm vui thực sự khi làm được việc tốt cho người khác.
Hãy bắt đầu từ việc đến thăm hoặc liên hệ với địa phương vùng cao kinh tế còn nghèo khó, trại trẻ mồ côi, trường học…tổ chức một chương trình từ thiện hay hoạt động gây quỹ ủng hộ phù hợp để trẻ cùng tham gia. Cố gắng tìm một hoạt động gì đó theo sở thích của con bạn.
Nếu các bé yêu quý động vật, nên tìm đến vườn bách thú nơi bé có thể thỏa sức chăm sóc các con vật, tuy nhiên bạn cũng chú ý trông chừng chỉ cho bé chơi và chăm sóc các con vật thuộc loại thú hiền lành. Trong trường hợp trẻ thích chơi trò chơi, đến trại trẻ mô côi để ở đó bé sẽ cùng các bạn tổ chức trò chơi vẽ tranh, tô tượng… là một sự lựa chọn thông minh.
* Thực hiện hoạt động đóng góp, ủng hộ
Bằng cách thực hiện hoạt động ủng hộ đồ chơi, quần áo, sách vở, tiền làm từ thiện, thông qua ý tưởng này bạn khiến cho các bé học được cách đóng góp đồ vật của họ để giúp đỡ người khác.
Sắp xếp, đóng gói tất cả quần áo, đồ chơi, sách cũ mà trẻ không dùng nữa. Sau đó, dẫn bé đi cùng bạn để quyên góp những món đồ này đến tổ chức từ thiện. Chúng sẽ nhận ra rằng những thứ mà chúng không còn sử dụng có thể chia sẻ, giúp những người bạn cùng trang lứa và cảm nhận được niềm vui của việc cho đi tình yêu thương.
Hơn thế nữa, khi được chứng kiến thực tế và tham gia trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ khơi dậy, bồi dưỡng lòng nhân ái, tình yêu thương giữa con người với nhau trong tâm hồn trẻ, từng bước hoàn thiện nhân cách.
* Giao cho trẻ làm việc nhà
Bố mẹ nên hướng dẫn con giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà với những công việc phù hợp với khả năng của con như: quét nhà, dọn dẹp bát đũa vào bồn rửa sau ăn và có thể hướng hẫn con rửa bát, chăm sóc cây cảnh.
Nhiều bậc cha mẹ thường tập cho con mình làm các việc nhà và đây được xem như phương pháp hữu hiệu để dạy chúng làm việc và học cách chia sẻ, giúp đỡ người khác.
Người ta nhận thấy rằng trẻ được giao làm việc nhà từ khi còn nhỏ, thường lúc trưởng thành có xu hướng thích hoạt động xã hội.
Vì việc nhà tập cho chúng nêu cao tinh thần hỗ trợ mọi người, tạo dựng suy nghĩ đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình.
Ngoài ra, tập làm việc nhà còn đem lại ý nghĩa làm cho bé nhận thấy mình không chỉ là một thành viên quan trọng mà còn là người có trách nhiệm trong gia đình.
* Khuyến khích con tham gia các hoạt động tại khu phố sinh sống
Nếu trẻ được bố mẹ khuyến khích tham gia sớm các hoạt động tại khu phố sinh sống đồng nghĩa với việc bạn đang hướng con mình dần hình thành ý thức, trách nhiệm sống trong cộng đồng và thực hiện các hành động hữu ích đối với mọi người xung quanh. Giáo dục cho bé nhận ra những tình huống mà mọi người cần giúp đỡ, chẳng hạn như: Dắt người già qua đường, giảng bài cho em nhỏ trong dãy phố, chăm sóc em bé cho hàng xóm, tham gia dọn dẹp đường phố sạch đẹp là những gợi ý tốt để dạy cho trẻ tinh thần làm việc theo nhóm và thói quen giúp đỡ người khác.
Phương pháp 2: Giáo dục trẻ em về các hành vi mang lại lợi ích
* Giải thích hiệu quả của hành vi quan tâm, giúp đỡ mọi người
Cha mẹ cũng nên nói chuyện để con hiểu rõ những việc trẻ đang làm là rất tuyệt vời, hãy giải thích về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giúp đỡ mọi người, làm như vậy con sẽ ngày càng xây dựng được những mối quan hệ thân thiện, tốt đẹp. Thường xuyên khen ngợi và cho trẻ thấy bạn thực sự tự hào về những hành động này của con mình.
* Kể cho con nghe những câu chuyện mang tính nhân văn, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về những tấm gương giúp đỡ người khác
Bạn nên tìm kiếm các chương trình phát sóng về các hoạt động từ thiện, hình ảnh các nhà hảo tâm hỗ trợ những người gặp khó khăn vươn lên trong cuộc sống, chương trình vì cộng đồng trên phương tiện truyền hình, báo chí, internet sau đó đọc và chia sẻ cảm nghĩ với con những câu chuyện này. Cứ như vậy rồi trẻ sẽ hiểu rõ ý nghĩa của việc giúp đỡ người khác là đúng đắn, góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp của trẻ trong tương lai.
* Hãy trở thành một tấm gương cho trẻ
Đúng vậy, trẻ em học rất nhiều từ cử chỉ, hành vi mà chúng quan sát được từ người lớn. Do đó cha mẹ phải là người làm gương cho trẻ.
Thay vì chỉ nói với con mình về sự hữu ích của việc quan tâm, giúp đỡ người khác, bạn nên là tấm gương tiên phong thực hiện hoạt động trên một cách thường xuyên để trẻ có thể quan sát và làm theo.
Phương pháp 3: Giáo dục trẻ em về tình yêu thương, lòng nhân ái
* Ưu tiên hàng đầu giáo dục trẻ về tình yêu thương, lòng nhân ái
Giáo dục về tình yêu thương con người và lòng nhân ái phải được coi là tiêu chuẩn đạo đức quan trọng hàng đầu cha mẹ nên dạy con cái. Vì tình yêu thương, lòng nhân ái là nền tảng của những mối quan hệ tốt đẹp. Một đứa trẻ có lòng nhân ái, mong muốn đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác thì khi trưởng thành rất có thể sẽ trở thành người có ích cho xã hội.
* Mở rộng xây dựng thêm nhiều mối quan hệ
Bạn nói với con rằng ngoài những người thân trong gia đình và bạn bè; trẻ còn có thể xây dựng thêm các mối quan hệ gần gũi, thân thiện với nhiều người khác như thầy cô giáo và các bạn ở trường, bác tài lái xe buýt, cô nhân viên phục vụ trong siêu thị hay những người hàng xóm tốt bụng xung quanh trẻ.
Khó có thể đòi hỏi một đứa trẻ luôn biết quan tâm, chia sẻ khi cha mẹ không lưu tâm đến điều này.
Chính hành vi, thái độ của cha mẹ cùng những người thân là yếu tố quyết định phần lớn khả năng quan tâm, chia sẻ của trẻ trong tương lai.
Dù sao phương pháp cũng chỉ là một la bàn chỉ hướng cho các bậc cha mẹ, việc còn lại là cha mẹ phải khéo léo và tinh tế trong việc áp dụng vào cuộc sống hằng ngày mà thôi.