Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Những lời dạy và bài viết của Người dành cho thanh thiếu nhi được xem như một trong những di sản vô giá của dân tộc và thế hệ trẻ nước ta.
Bác coi học sinh, sinh viên là nhân tố hàng đầu và quyết định vận mệnh của đất nước sau này. Trong thư gửi học sinh cả nước ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”, và nhân dịp tết độc lập đầu tiên, trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc, Bác viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.
Trong suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ. Bác đã nhiều lần nói chuyện trực tiếp với sinh viên trong và ngoài nước. Từ những lời dạy bảo chứa đựng tình thương bao la mà gần gũi của Bác đối với học sinh, sinh viên, chúng ta có thể rút ra các bài học mà Bác Hồ dành cho học sinh, sinh viên như sau:
Thứ nhất là bài học về việc học tập: Đối với học sinh, sinh viên nhiệm vụ đầu tiên là học, học tốt và học giỏi, học để thành người hữu ích xây dựng xã hội, kiến thiết đất nước. Bác nói: “Nhiệm vụ chính của thanh niên là học”, đồng thời Bác yêu cầu: Phải hiểu rõ học thế nào? Học cái gì? Học để làm gì?
Tại Đại hội sinh viên lần thứ hai, ngày 07/5/1958, một lần nữa, Bác nhắc lại và nhấn mạnh: “Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần hai câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng”. Bác còn nói: “Làm nghề gì cũng phải học”, và mục đích của việc học là để “nâng cao năng lực làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân ngày càng no ấm, vui tươi”.
Tiếp đến là bài học về đức và tài: Tại Đại hội sinh viên lần thứ hai, ngày 07/5/1958, Bác nhấn mạnh hai phẩm chất hàng đầu của học sinh, sinh viên phải rèn luyện trong nhà trường là đức và tài. Sau này, Bác còn dùng khái niệm hồng và chuyên. Đức và tài, hồng và chuyên luôn đi đôi với nhau, song hành tồn tại cùng nhau trong một con người.
Bác đã có những chỉ dẫn phong phú về mối quan hệ giữa tài và đức trong việc giáo dục, đào tạo, rèn luyện và sử dụng con người. Luôn luôn gắn tài với đức, Người thường dùng từ ghép: “bậc tài đức”, “kẻ hiền năng”, “tài khác nhau nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng”.
Theo Bác, giữa tài và đức thì đức là gốc, là nền tảng: “Đạo đức là cái gốc của người Cách mạng”. Bác giải thích đạo đức Cách mạng rất giản dị, cụ thể: “Đạo đức Cách mạng không phải những điều cao siêu, xa lạ mà đối với mỗi người bất kỳ ở cương vị nào cũng đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích phục vụ chủ nghĩa xã hội”.
Sau cùng là bài học về lý tưởng Cách mạng: Giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế trẻ Việt Nam nói chung và cho sinh viên nói riêng là một trong những vấn đề được Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Bác ân cần khuyên nhủ: “Chúng ta không có một chút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta”. Lý tưởng cách mạng đối với tuổi trẻ như ánh sáng mặt trời với sự sống, là sự gắn bó hữu cơ, là sự tự nguyện, tự giác, là sự đòi hỏi tự thân, nó thường trực, hướng tới: “Không một chút nào được quên”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các thế hệ trẻ Việt Nam tình yêu thương bao la, sâu sắc nhất. Người đã khẳng định: Thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà… Chính vì thế, việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ luôn là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của toàn xã hội, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa, tức là phải có những người có đạo đức xã hội chủ nghĩa”.
Đã nhiều năm trôi qua nhưng những lời căn dặn Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn mãi còn nguyên giá trị như thủa nào. Đây là tình cảm, là tư tưởng, là lời dạy, là định hướng cho lớp người sẽ làm chủ tương lai của đất nước và đó cũng luôn là kim chỉ nam cho các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam cố gắng phấn đấu học tập và rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.