Những ngày đầu tiên phải rời xa vòng tay của bố mẹ đến trường mầm non là những ngày vô cùng khó khăn và khủng hoảng đối với trẻ nhỏ. Việc bất ngờ bị thay đổi môi trường sống đột ngột và thói quen sinh hoạt khiến đa số trẻ có những phản ứng tiêu cực như nhõng nhẽo, khóc lóc hay ăn vạ mỗi khi ba mẹ đưa đến trường, điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới tâm lý và sức khỏe của trẻ.
Vậy làm thế nào để giúp trẻ yêu trường, lớp và sớm hòa nhập với môi trường mới ở trường mầm non? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số biện pháp hữu ích giúp giáo viên mầm non giải quyết vấn đề này.
Biện pháp 1: Xây dựng niềm tin ở trẻ
Hãy tạo cho trẻ ấn tượng tốt ngay từ lần đầu trẻ đến lớp. Thay vì xà vào ôm trẻ khiến trẻ bất ngờ và cảm thấy sợ hãi, giáo viên nên nhẹ nhàng chào hỏi và làm quen với trẻ bằng những câu hỏi đơn giản như: “Con tên là gì?”, “Con mấy tuổi?”, “Con có muốn vào lớp để chơi cùng cô và các bạn không?”… Sau khi nói chuyện với cô, trẻ sẽ bớt cảm giác bỡ ngỡ, sợ sệt và dần tò mò về môi trường mới. Cô có thể để trẻ cùng mẹ quan sát các bạn trong lớp vui chơi và chú ý biểu hiện của trẻ. Một số bé sẽ thích thú ngay và theo cô vào lớp chơi cùng các bạn, với những bé vẫn còn cảm giác sợ sệt cô hãy lại gần trò chuyện cùng phụ huynh để hiểu thói quen, sở thích của trẻ cũng như tạo cảm giác gần gũi, thân thiết hơn.
Biện pháp 2: Tạo môi trường vui chơi thu hút sự chú ý của trẻ.
Giáo viên nên tìm tòi sáng tạo thêm nhiều góc chơi trong lớp với nhiều đồ chơi hấp dẫn để tạo sự thích thú ở trẻ. Ngoài ra cô có thể tạo một sân chơi ngoài trời thoáng mát, sạch sẽ với nhiều cây xanh và các trò chơi vận động bổ ích như mèo đuổi chuột, rồng rắn lên mây…hoặc đưa trẻ đi tham quan cảnh vật xung quanh trường giúp trẻ thoải mái, vui vẻ và dần làm làm quen với môi trường mới ở trường mầm non
Biện pháp 3: Tập cho trẻ theo nề nếp mới bắt đầu từ những thói quen cũ của trẻ
Những ngày đầu đến lớp đa số trẻ vẫn giữ thói quen sinh hoạt khi ở nhà cùng ba mẹ. Đối với những thói quen chưa tốt ở trẻ cô không nên vội vàng ép trẻ sửa ngay mà hãy chiều theo trẻ 2-3 hôm đầu và dần dần tập cho trẻ thói quen ăn, ngủ, vệ sinh theo nề nếp của lớp (vd: Nếu trẻ không muốn ăn cơm và chỉ ăn được nửa bát mỗi bữa, những ngày đầu thay vì ép trẻ ăn hết suất cô có thể cho trẻ uống sữa bù để trẻ không bị đói. Sau đó cô hãy tập cho trẻ ăn mỗi ngày thêm một muỗng để trẻ có thời gian thích nghi và thay đổi thói quen theo nề nếp ở trường, lớp)
Biện pháp 4: Luôn tạo sự gần gũi, thân thiện với trẻ
Hãy cố gắng trở thành người bạn đáng tin cậy của trẻ, dành thời gian quan tâm và gẫn gũi với trẻ thông các hoạt động sinh hoạt hằng ngày ở lớp . Cô có thể thu hút trẻ tham gia các trò chơi, cùng cô đọc thơ hay các bài dồng dao để trẻ cảm nhận sự thân thuộc như đang ở nhà với ba mẹ. Giờ ngủ trưa nếu trẻ chưa quen với lớp học và không chịu đi ngủ cùng các bạn, cô nên trò chuyện với trẻ hoặc cho trẻ nằm ngủ bên cạnh cô để trẻ không cảm thấy lạc lõng.
Biện pháp 5: Đồng hành cùng phụ huynh
Đối với các bé ngày đầu đến lớp cô nên trao đổi chi tiết với phụ huynh để biết được thói quen sinh hoạt, sở thích và tình trạng sức khỏe của trẻ, bên cạnh đó phổ biến nội quy của lớp học để phụ huynh nắm bắt được và phối hợp cùng cô trong việc rèn luyện nề nếp cho trẻ ở lớp. Cô và ba mẹ phải làm gương để trẻ noi theo (vd: Khi trẻ đến lớp, cô giáo và phụ huynh phải chào hỏi nhau để trẻ bắt chước cử chỉ giao tiếp của người lớn và hành động theo)