Lắng nghe là một kỹ năng quan trọng trong giao tiếp, học tập và trong cuộc sống. Người có kỹ năng lắng nghe là người sẽ dễ thành công bởi họ biết tiếp thu ý kiến và học hỏi từ người khác. Tuy nhiên, để rèn luyện được kỹ năng lắng nghe là cả một quá trình dài con người cần rèn luyện và trau dồi cho mình. Kỹ năng lắng nghe cần được trau dồi ngay từ nhỏ, vì vậy, để rèn luyện cho trẻ kỹ năng lắng nghe, cha mẹ có thể hướng dẫn con theo các cách sau:
1. Cha mẹ hãy là người trau dồi và hoàn thiện kỹ năng lắng nghe của bản thân trước
Muốn con thực hành được kỹ năng lắng nghe thì cha mẹ là người phải có kỹ năng này trước khi giao tiếp với trẻ, bởi cha mẹ là tấm gương phản chiếu của con nên các hành vi, lời nói của cha mẹ trẻ sẽ rất dễ bắt chước và học theo. Cha mẹ cần cho trẻ thấy được rằng bố mẹ cũng sẵn sàng lắng nghe trẻ. Cha mẹ không nên cắt ngang khi bé đang kể chuyện, mà phải kiên nhẫn lắng nghe và thể hiện sự thái độ tích cực trước những gì bé muốn nói. Vậy nên, bố mẹ đừng nên vừa xem điện thoại hay nói chuyện với người khác vừa trò chuyện với trẻ, hãy hướng sự chú ý vào những gì trẻ muốn nói hay muốn cho bố mẹ xem. Đồng thời khi có chuyện xảy ra với trẻ cha mẹ cần lắng nghe trẻ ở một không gian tình lặng với một tâm thế lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ thay bằng cha mẹ lắng nghe con với một thế để bắt lỗi trẻ thì con sẽ học cách lắng nghe của cha mẹ.
Cha mẹ cũng phải có kỹ năng lắng nghe tích cực trong giao tiếp với trẻ và giao tiếp với người khác:
- Học cách giao tiếp bằng mắt: Khi giao tiếp với trẻ, nhìn thẳng vào mắt người giao tiếp. Không vừa nói chuyện vừa làm việc vì sẽ tạo cho trẻ cảm giác không được tôn trọng!
- Phản hồi và nhắc lại những điểm chính khi con bạn tạm dừng lời: Kỹ năng này rất cần thiết vì cha mẹ đang giúp con rèn luyện được khả năng tư duy và tổng hợp lại vấn đề
- Gật đầu và mỉm cười và sử dụng những từ để khuyến khích trẻ: Khi nói chuyện với trẻ cha mẹ sử dụng những từ ngữ để tạo động lực cho con cố gắng thể hiện bản thân hơn.
- Đặt những câu hỏi liên quan đến chủ đề mà trẻ đang nói: Cha mẹ đặt các câu hỏi xoay quanh chủ đề trẻ đang nói để phát triển tư duy cho trẻ.
- Không cắt ngang, chen lời khi con đang nói: Hãy lắng nghe hết những gì trẻ nói rồi đưa ý kiến. Nếu như chặn lại lời của trẻ thì bạn không thể dạy con được kỹ năng lắng nghe
Dạy trẻ cách quan sát và lắng nghe người khác nói, sẽ góp phần định hình phong cách giao tiếp của trẻ. Khi trẻ trẻ biết lắng nghe người khác, trẻ sẽ biết lắng nghe chính bản thân mình.
2. Cách dạy con nhận diện và ứng dụng kỹ năng lắng nghe
Cha mẹ hướng dẫn con kỹ năng lắng nghe theo quy trình: Nghe => Tiếp nhận thông tin => Nghĩ (phân tích, xử lý thông tin) => Hiểu (nhận diện đúng – sai, nên- không nên) => Phản hồi (nói/hành động)
Cha mẹ cho con nhận diện vấn đề nghe của mình trong các tình huống của cuộc sống hàng ngày để phân tích khả năng lắng nghe của bản thân đang ở cấp độ nào.
Ví dụ:
- Giả vờ nghe: Khi bị phê bình, nhắc nhở => Nghe nhưng không tiếp nhận thông tin, không hành động…
- Nghe có chọn lọc: Khi giao tiếp, nói chuyện….=> Nghe nhưng chỉ chọn lọc các thông tin thú vị, hào hứng mà mình quan tâm. Các thông tin khác không để ý.
- Nghe có suy nghĩ: Nghe và nghĩ về các vấn đề được nghe để nghĩ cách đối đáp, xử lý tình huống.
- Nghe để thấu hiểu: Sử dụng tất cả các giác quan để nghe và cảm nhận thái độ, tâm trạng và những gì người nói muốn truyền đạt.
3. Cha mẹ cùng con nhận diện vấn đề nghe của bản thân
– Điều đã làm được: Con đã tập trung vào câu chuyện khi trao đổi cùng bạn bè và mọi người, con tập trung và lắng nghe cô giáo giảng bài, khi bị mắng con đã biết lắng nghe và nói lời xin lỗi, …
– Điều chưa làm được: Con mất trật tự, nói chuyện riêng trong giờ học; Con ngồi học chưa đúng tư thế; Khi bị mẹ mắng con đã cảm thấy vô cùng tức giận, không lắng nghe những lời góp ý từ mọi người, …
=> Quý cha mẹ hướng dẫn cho con nhận diện được điểm tốt và điểm chưa tốt và lên kế hoạch, phương pháp khắc phục những nhược điểm của bản thân con chưa tốt.
4. Cha mẹ cùng con phân tích và xử lý các tình huống nghe
- Khi giao tiếp
- Khi bị phê bình
- Khi được khen
Đối với các tình huống khác nhau, con cần có tâm thế để lắng nghe, phân tích và xử lý tình huống khi nghe.
Hình thành cho trẻ kỹ năng lắng nghe là một quá trình, đó cũng là bài học cho quá trình hoàn thiện nhân cách ở trẻ. Ngay cả khi chỉ có bạn và bé, hãy dạy cho bé cách lắng nghe và thật tĩnh lại để nghe và giải quyết vấn đề
Sưu tầm