Giai đoạn tập đi không những mang lại niềm vui cho chính bé mà còn là niềm hạnh phúc của bố mẹ. Việc tập đi cho con vô cùng quan trọng để hình thành dáng đi đứng cho bé khi lớn.
Đối với nhiều bậc phụ huynh, bé biết đi là cột mốc đánh dấu sự phát triển. Lúc này bé đã đủ khả năng để học các kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là các kỹ năng vận động. Bố mẹ giữ vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ và giữ an toàn khi bé tập đi. Hãy tham khảo bài viết sau đây để biết thêm chi tiết nhé!
Bé biết đi khi nào?
Trong năm đầu tiên, bé sẽ phát triển sức mạnh và sự phối hợp các cơ bắp, làm chủ được sự uyển chuyển về thể chất và có thể đã biết lăn, ngồi, bò. Đến giai đoạn này, bé chỉ tập nâng người đứng thẳng lên và vịn vào những đồ vật hỗ trợ để đi quanh phòng. Một thời gian sau đó, bé mới có thể tự tin đứng và giữ thăng bằng trên đôi chân mình mà không cần đến đồ vịn nữa.
Phải mất một thời gian khá lâu để bố mẹ tập đi cho bé. Tuy nhiên, khi làm chủ được đôi chân mình, bé sẽ trở nên độc lập hơn.
12–18 tháng tuổi.
Hầu hết các bé sẽ cất những bước đi đầu tiên khi khoảng độ một tuổi. Bạn cũng đừng quá lo lắng nếu như con mình chậm hơn những đứa bé khác, quan trọng là kỹ năng của bé phát triển như thế nào thôi. Nếu con học lật, học bò chậm hơn những bé khác thì con sẽ cần thêm vài tuần hay vài tháng để tập đi, miễn là bạn giúp bé liên tục học được những điều mới.
Sau khi chập chững những bước đi đầu tiên, bé sẽ học cách ngồi xổm xuống và đứng lên trở lại. Nếu đã đi vững, bé có thể sẽ thích những đồ chơi chuyển động đẩy hoặc kéo.
Bạn không nên mua khung tập đi cho bé. Khung tập đi có thể nguy hiểm vì bé sẽ rất dễ té hoặc gặp phải những tình huống nguy hiểm khác. Hơn nữa, những thiết bị hỗ trợ như thế này sẽ làm bé phụ thuộc và khi phải tập đi mà không có sự hỗ trợ nào, bé sẽ rất dễ nản.
19–24 tháng tuổi
Khi chân tay đã cứng cáp, bé sẽ thích vừa đi vừa giữ một đồ vật gì đó trong tay (ví dụ như quả bóng, thú nhồi bông). Nếu bạn muốn bé nâng vật gì đó nặng hơn thì đừng ngạc nhiên vì chính bé cũng rất thích thú muốn thử thách mình với các vật nặng như cặp xách.
Bé cũng sẽ vô cùng phấn khích khi đến một ngày khám phá ra mình không chỉ đi mà còn có thể chạy từ nơi này sang nơi khác.
25–30 tháng tuổi
Vào năm 2 tuổi, bé đã đi bộ dễ dàng và còn tham gia vào một số trò chơi như đuổi bắt, tập hát những bài vui nhộn. Những bước đi lúc này đã cân bằng hơn và bé dần sử dụng gót chân để đi một cách thành thạo (không đi nhón gót nữa).
Ở giai đoạn này, bé thường thích leo trèo, chạy nhảy. Do đó, bố mẹ hãy đưa ra những quy tắc khi bé leo trèo, nhảy nhót trên đồ đạc trong nhà.
31–36 tháng tuổi
Vào năm 3 tuổi, việc đi lại bây giờ đối với bé là điều rất tự nhiên và bình thường rồi, chỉ có một số hành động đòi hỏi sự tập trung và nỗ lực cao của bé như giữ thăng bằng hay đứng trên một chân.
Bé không cần sử dụng sức quá nhiều để đi bộ, đứng, chạy hay nhảy vì đôi bàn chân đã nhanh nhẹn hơn trước nhiều. Con có thể dừng lại và bắt đầu chạy nước rút ngay lập tức hay chạy sang trái, phải không chút do dự. Ngoài ra, bé còn có thể nhảy lò cò (nhảy trên một chân) nữa.
Mối quan tâm của bố mẹ
Sự phát triển kỹ năng ở mỗi bé là khác nhau. Nếu bé có dấu hiệu chậm phát triển hay qua 18 tháng rồi mà con vẫn chưa đi được thành thạo thì bố mẹ hãy tìm đến bác sĩ ngay.
Một số lý do khiến bé chậm biết đi trong giai đoạn này có thể kể đến như:
- Bé đang phát triển một kỹ năng khác như nói chuyện thay vì tập đi;
- Những bé nặng cân hoặc sinh non thường biết đi muộn hơn so với những bé khác.
Hầu hết các bé đều nhón chân khi đi, có thể là vì cảm thấy vui vẻ, nhưng bé không nên đi nhón chân trong thời gian dài. Nếu bạn để ý thấy con lúc nào cũng đi trên đầu ngón chân thì nhiều khả năng bé gặp vấn đề về thể chất (ví dụ như gân nối bắp chân với gót chân bị ngắn) khiến bé không thể đặt cả bàn chân lên sàn. Đây là một dấu hiệu rối loạn cơ vận động nghiêm trọng, ví dụ như chứng bại não nhẹ.
Bàn chân của bé có thể bị lệch nhẹ khi đi (không kiểm soát được thăng bằng khi đi). Đây gọi là tình trạng “ngón chân trong”. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ tự cải thiện qua thời gian, nếu không thì bạn nên đưa con đi gặp bác sĩ.
Bé cũng có xu hướng chân cong (chân vòng kiềng) trong những năm đầu đời nhưng chân của bé sẽ duỗi thẳng ra vào năm 2 tuổi.
Giai đoạn tiếp theo là gì?
Vào năm 4 tuổi, bé có thể đứng trên một chân trong vòng 2 giây. Năm 5 tuổi, bé có thể nhảy lên. Điều này nghe có vẻ rất tự nhiên nhưng thực ra, đây là một kỹ năng phức tạp đòi hỏi sự phối hợp tay chân và giữ được thăng bằng. Khi kỹ năng thể chất của bé phát triển, bạn hãy đăng ký cho con tham gia những hoạt động có tổ chức như bóng đá hay thể dục dụng cụ.
Tập cho con đi được là cả quá trình kiên nhẫn của bố mẹ. Bạn không nên thúc ép bé phải nhanh biết đi như các bạn cùng lứa, nhưng cũng đừng để bé phát triển quá chậm. Khi con chậm phát triển so với các bé khác thì bạn hãy đưa con đi khám bác sĩ để tìm hiểu rõ nguyên và cách khắc phục.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Chúc bé nhà bạn sớm biết đi nhé!