Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Cho và nhận là một trong những nền tảng hạnh phúc của con người. Điều đó giúp cuộc sống của con người trở nên ấm áp và có ý nghĩa. Vốn tưởng những thứ cho đi phải rất lớn lao, xa vời, khó kiếm tìm, nhưng chúng luôn diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Thứ cho đi không chỉ có tiền bạc hay vật chất sẵn có, mà nó có thể chỉ là một hành động, một lời nói, chút thời gian, hay đơn giản hơn là ánh mắt, nụ cười trìu mến, là sự yêu thương, sẻ chia. Song song với sự “cho” là sự “nhận”. Ta chẳng mong gì nhận lại được những thứ cao sang, chỉ câu cảm ơn, cái bắt tay, cái ôm thân mật, hay sự đồng cảm, sự thấu hiểu thôi cũng đã khiến con người ta cảm thấy thật quý giá. Chính vì thế sự cho đi và nhận lại đã trở thành sợi dây vô hình gắn kết mọi người.
Trong công việc cũng vậy, sự cho đi và nhận lại được thể hiện giữa tình đồng nghiệp với nhau. Những người có thâm niên, kinh nghiệm trong công việc quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ cho những người mới bắt đầu. Tích cực chia sẻ các kiến thức của mình đến các đồng nghiệp, cùng nhau trao đổi các vấn đề chưa nắm rõ. Người được tiếp nhận kiến thức chuyên tâm học hỏi để vừa tạo nên mối quan hệ đồng nghiệp thân thiết, vừa củng cố kiến thức chuyên môn để nâng cao tính chuyên nghiệp của tập thể. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ giữ nó cho riêng mình thì cuối cùng bản thân cũng không hề được phát triển thêm mà còn không nhận được sự chia sẻ của mọi người. Tự chúng ta cô lập mình vào một góc tối. Hạnh phúc đến rất giản đơn khi ta trao cho ai đó một câu góp ý, hay tìm giúp 1 bản tài liệu khi cần để họ hoàn thành tốt công việc được giao. Khi đã cho đi, không nên suy nghĩ cần nhận lại sự đền đáp hay trả ơn tương xứng, vì đó là hành động cho đi có toan tính và niềm hạnh phúc chúng ta nhận được sẽ không còn ý nghĩa. Sự chia sẻ phải xuất phát từ sự đồng cảm, ý chí cầu tiến và tinh thần giúp đỡ mọi người, không mưu cầu quyền lợi cho bản thân. Cho đi không phải là chúng ta bị thiệt thòi, mất mát mà cho đi một thì chúng ta có thể nhận thêm nhiều điều khác nữa.
Không chỉ cho bằng hết sự rộng mở của trái tim mà khi nhận lại, chúng ta cũng cần đón nhận một cách chân thành và thấu cảm nhất. Biết cho đi là điều đáng quý, nhưng biết cách nhận về cũng là cả một nghệ thuật. Khi được nhận một điều gì đó chúng ta phải có thái độ thực sự muốn nhận, chứ không phải là gượng ép dù điều đó là bé nhỏ hay lớn lao. Chỉ có như vậy người cho và người nhận mới thoải mái và hạnh phúc. Bản chất của cho và nhận được trọn vẹn hơn.
“Cho” và “nhận” giống như cặp phạm trù “nhân” – “quả”. Trong cuộc sống, luôn có luật nhân quả, gieo nhân lành ắt hái quả ngọt. Chúng ta cho đi thứ gì, sẽ nhận lại được như thế, hoặc có thể nhiều hơn thế. Bạn đã bao giờ cảm nhận thấy niềm vui khi cho đi một điều gì đó mà không toan tính không? Bạn có thể không là người giỏi nhất nhưng cách ứng xử và hành động của bạn sẽ quyết định bạn là người như thế nào trong mắt mọi người. Cho đi những điều quý giá để nhận lại những hạnh phúc vô giá.
“Và hơn ai hết chúng tôi cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc khi được cùng đồng nghiệp trong ngôi nhà chung Sê San 3A cho đi những điều đó. Cho đi đối với chúng tôi là mọi người cùng nhau học hỏi, sẻ chia kiến thức, kinh nghiệm trong công việc để cùng tiến bộ, động viên nhau những lúc khó khăn trong cuộc sống. Với khách hàng, Chúng tôi mang đến sự chân thành trong từng hành động, sự ân cần và chăm sóc vượt mong đợi”.
Điều mong nhận lại của chúng tôi là nụ cười, niềm vui của đồng nghiệp khi cùng nhau hoàn thành mục tiêu chung của Công ty, là sự hài lòng thỏa mãn mong đợi của khách hàng. Sự cho đi và nhận lại luôn ý nghĩa với mỗi người lao động.
Sưu tầm