Dấu hiệu dậy thì muộn ở nữ
Tuổi dậy thì là giai đoạn đánh dấu sự trưởng thành về mặt sinh dục của trẻ. Thông thường, bé gái sẽ bắt đầu dậy thì trong khoảng 7 – 13 tuổi. Ở lứa tuổi này, do ảnh hưởng của các hormone sinh dục, cơ thể con sẽ có một số thay đổi, bao gồm:
- Ngực bắt đầu phát triển.
- Xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt.
- Có lông mu.
- Chiều cao tăng trưởng nhanh.
- Tử cung dần hình thành.
Nếu ngực của con vẫn chưa phát triển dù đã lớn hơn 13 tuổi hoặc chu kỳ kinh nguyệt không bắt đầu dù đã 16 tuổi, bé có thể gặp phải tình trạng dậy thì muộn.
Nguyên nhân bé gái dậy thì muộn
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến dậy thì muộn ở nữ. Các chuyên gia y tế đã liệt kê một số nguyên nhân phổ biến nhất như sau:
Buồng trứng có vấn đề
Bé gái có thể chậm lớn do bị suy buồng trứng sớm. Đây là hệ quả của các yếu tố sau:
- Đã từng dùng phóng xạ để điều trị ung thư hoặc các bệnh bạch cầu.
- Hội chứng Turner khiến bé mất đi một phần hay toàn bộ nhiễm sắc thể X. Các bé gái mắc hội chứng này thường lùn, có da thừa ở cổ, vòm miệng uốn cao, xương ngực lõm, cẳng tay quay ra ngoài.
Ngoài ra, nếu buồng trứng bị tổn thương, trẻ sẽ thiếu đi 2 hormone quan trọng là hormone luteinizing (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). Đây là 2 nhân tố chính giúp sản sinh estrogene, hormone sinh dục cần thiết cho sự phát triển ở nữ giới.
Do di truyền
Dậy thì muộn ở nữ có thể xảy ra do các yếu tố di truyền. Nếu gia đình có người thân bị chậm lớn, con có khả năng cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Do chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng giữ vai trò chủ chốt trong quá trình dậy thì của con trẻ. Ba mẹ cần đảm bảo cho con ăn đủ chất để có thể phát triển một cách tốt nhất.
Lượng mỡ giảm đi
Theo bác sĩ, những bé gái phải tập luyện thể dục cường độ cao như điền kinh hoặc thể dục dụng cụ dậy thì muộn hơn bạn bè đồng trang lứa. Các trường hợp này thường mắc các chứng bệnh tâm lý dẫn đến chán ăn hay rối loạn ăn uống. Do đó, các bé thường không có đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho giai đoạn dậy thì.
Một số bệnh mạn tính khiến hàm lượng chất béo trong cơ thể giảm đi cũng là nguyên nhân dẫn đến dậy thì muộn ở nữ.
Các nguyên nhân khác
Một số bệnh lý khác cũng khiến trẻ chậm phát triển, bao gồm:
- Suy giáp.
- Đái tháo đường.
- Hội chứng ruột kích thích.
- Xơ nang.
- Các bệnh về gan hoặc thận.
- Bệnh miễn dịch.
- Có khối u ở tuyến yên.
Chẩn đoán dậy thì muộn ở nữ
Để chẩn đoán tình trạng dậy thì muộn ở nữ, bác sĩ thường yêu cầu thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đo nồng độ hormone LH, FSH và estradiol.
Lượng hormone cao hơn mức bình thường cảnh báo tình trạng bất thường ở buồng trứng. Phương pháp điều trị phù hợp trong trường hợp này là kích thích tuyến yên sản sinh hormone để buồng trứng hoạt động mạnh hơn.
Nếu lượng LH, FSH hay estradiol thấp, đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể thiếu hormone hoặc bị giảm lượng mỡ. Để xác định loại hormone đang thiếu, bác sĩ sẽ chỉ định chụp cộng hưởng từ não. Ngoài ra, trẻ sẽ được chụp X-quang ở cổ tay hoặc tay trái để đo độ tuổi xương.
Một số bé gái được tiến hành xét nghiệm karyotype (lập bộ nhiễm sắc thể) để khảo sát những tế bào bị khuyết nhiễm sắc thể X.
Song song với các xét nghiệm trên, bác sĩ sẽ khai thác thêm các thông tin sau:
- Thói quen ăn uống của con.
- Tần suất tập thể dục.
- Tiền sử các bệnh từng mắc.
Các thông tin trên sẽ giúp bác sĩ xác định rõ nguyên nhân trẻ chậm lớn.
Cách khắc phục tình trạng dậy thì muộn ở nữ
Để khắc phục tình trạng dậy thì muộn ở nữ, các phương pháp điều trị sẽ được tiến hành tùy theo nguyên nhân.
Nếu trẻ chậm lớn do di truyền từ gia đình, bé chưa cần điều trị sớm. Thông thường, con vẫn sẽ phát triển bình thường khi đến tuổi trưởng thành.
Với những trẻ phải tập luyện với cường độ cao khiến cơ thể thiếu đi lượng mỡ cần thiết, việc tăng cân là điều cần thiết để hỗ trợ quá trình phát triển.
Một số bé gái dậy thì chậm là do mắc các bệnh kèm hoặc bị chứng rối loạn ăn uống. Do đó, bé cần được điều trị dứt điểm các vấn đề sức khỏe trên trước khi khắc phục tình trạng dậy thì muộn.
Dùng thuốc
Ba mẹ có thể cân nhắc sử dụng liệu pháp hormone với những trường hợp mắc chứng suy buồng trứng sớm hoặc thiếu hụt hormone. Các bác sĩ đưa ra một số lời khuyên như sau:
- Bổ sung estrogen (một loại hormone nữ) dưới dạng viên hoặc miếng dán ở liều thấp, 2 lần/tuần.
- Theo dõi những thay đổi ở cơ thể trẻ và cân nhắc tăng liều sau 6 đến 12 tháng.
- Có thể thêm progesterone (một loại hormone giới tính) để bắt đầu kì kinh nguyệt.
- Thêm thuốc tránh thai dạng uống để duy trì nồng độ hormone giới tính trong cơ thể. Sau vài tháng, bác sĩ sẽ cho trẻ dừng progestin từ 1 – 2 ngày. Phụ huynh nên thảo luận với bác sĩ nội khoa để biết được khả năng sinh sản của con.
Hỗ trợ về tinh thần
Ngoài ra, tình trạng dậy thì muộn có thể khiến bé tự ti, mặc cảm về bản thân. Do đó, cha mẹ nên hỏi han, quan tâm và động viên con. Gia đình nên là chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp con vượt qua những khó khăn về tâm lý trong giai đoạn này.
Dậy thì muộn ở nam lẫn nữ đều là nỗi lo của rất nhiều bậc phụ huynh. Nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng này có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ của các bé. Do đó, ba mẹ nên chú ý quan sát thể trạng của con trẻ. Nếu nhận thấy con có các dấu hiệu bất thường, phụ huynh nên đưa con đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị