CÂU CHUYỆN 20 NĂM SAU TỐT NGHIỆP, BẠN MUỐN CON MÌNH TRỞ THÀNH NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?

Cuối tuần vừa rồi, tôi đi họp lớp. Đó là buổi họp lớp có đông thành viên nhất trong suốt 20 năm qua, kể từ khi chúng tôi tốt nghiệp. Cả lớp 51 thành viên, có 32 người tham dự. Những người còn lại, có người đã cắt đứt liên lạc hoàn toàn từ lâu, có người thì hứa hẹn nhưng cuối cùng lại chẳng thấy đến.

Trong một buổi họp lớp như thế, bạn cũ gặp lại nhau, lúc nào cũng sẽ diễn ra cảnh bạn bè tự so sánh với nhau rồi kẻ cười, người than vãn. Bởi lẽ không phải ai cũng chấp nhận được sự thật những người năm ấy từng ngồi cùng một lớp học với mình mà chục năm qua đi, sự chênh lệch giữa cả hai lại càng ngày càng lớn, đến mức coi là khác nhau một trời một vực cũng không ngoa.

Tuy nhiên, cá nhân tôi lại rất thích tham gia các buổi họp lớp. Mỗi lần tụ họp lại như thế, tôi đều hứng thú với việc quan sát những con người cách đây rất lâu đã có cùng xuất phát điểm như tôi hiện nay đang ở vị trí thế nào.

Lý do gì khiến họ thành công vượt bậc? Rồi lý do gì khiến họ cứ dậm chân tại chỗ? Một buổi họp lớp không đơn giản là cách giúp người ta hồi tưởng lại thanh xuân hay cảm thán sự vô tình của thời gian và lòng người, mà nhân đó, chúng ta còn có thể hiểu được rất nhiều bài học về hiện thực.

1. CUỘC ĐỜI KHÔNG CHỈ CÓ MỘT HƯỚNG ĐI
Vừa tốt nghiệp xong, mọi người hoặc là học lên cao học hoặc chen chúc apply vào các công ty lớn, như thể trên đời này chỉ có 2 con đường đó mới là hướng đi chính xác.

Minh, cậu bạn ngồi sau tôi hồi đó chọn Nam tiến, làm thuê ở một cửa hàng chuyên về đồ điện gia dụng. Lúc mới biết tin, nhiều đứa trong bọn tôi lắc đầu, làm sale thì sao mà thăng tiến được.

Mấy năm sau, nghe nói nó tự mở được một cửa hàng nhỏ, làm ông chủ; mấy năm sau nữa, mở một siêu thị điện máy quy mô mini; rồi lại tiếp tục mấy năm sau, siêu thị nhỏ ngày nào nay đã trở thành một chuỗi điện máy cỡ lớn.

Đám bạn cũ của tôi, có người ra nước ngoài lập nghiệp, có người thi công chức, có người làm công nhân, dù sự chênh lệch giữa họ khác nhau vô cùng nhưng thời gian trôi qua, bạn sẽ phát hiện, ai cũng có thể tìm thấy niềm vui trong cuộc sống của mình.

Bạn thấy đó, hóa ra cuộc đời không chỉ có một hướng đi.

2. MỌI VIỆC ẮT SẼ CÓ CÁCH GIẢI QUYẾT CỦA NÓ, ĐỪNG HOANG MANG VÀO TƯƠNG LAI
Trong buổi họp lớp hôm đó, Nam – cậu bạn tôi cảm khái: “Ai cũng lần đầu làm người, làm gì mà chẳng phải tự mày mò cơ chứ. Thỉnh thoảng nhìn phía trước mịt mờ, cứ ngỡ chẳng có đường đi. Nhưng mà chỉ cần dám tiến lên thì chắc chắn có thể tìm được đường ra.”

Tâm lý học có một khái niệm gọi là “nguyên lý lối đi”. Nghĩa là giống như đèn cảm ứng ở ngoài đời, trên con đường bạn đi đèn luôn ở trạng thái tắt, chỉ khi bạn bước đến một vị trí nhất định, đèn mới sáng lên để soi đường cho bạn.

3. XUẤT PHÁT ĐIỂM CỦA CON CÁI CHÍNH LÀ BỐ MẸ
Hà Linh – một thành viên khác trong lớp hiện đang làm giảng viên tại một trường đại học, con trai nó chuẩn bị nhập học ở một ngôi trường danh tiếng quốc tế.

Lúc cả lớp đang ăn, tôi hỏi nó dạy tiếng Anh cho con trai thế nào. Nó đáp thực ra nó cũng không có bí quyết gì hết. Chỉ là lúc con nó còn bé cũng là lúc nó được chuyển công tác sang Mỹ để bồi dưỡng một năm. Lúc ở Mỹ, ngày nào nó cũng gọi video cho con. Dần dà, con trai nó cũng trở nên tò mò với thế giới ở phía bên kia đại dương. Đến một ngày, thằng bé hùng hồn tuyên bố với nó: “Sau này con sẽ đi du học ở Mỹ giống mẹ.”

Hà Linh cười nói với tôi: “Tao cũng phải cố gắng thôi, nếu không thì làm sao làm thần tượng cho con tao được.”

Nếu như cuộc đời là một cuộc thi chạy tiếp sức thì bố mẹ chính là xuất phát điểm của con cái. Bố mẹ chạy càng xa thì vị trí nhận gậy tiếp sức của con cái càng gần với điểm đích.

4. NGƯỜI SỐNG UNG DUNG LÀ NGƯỜI TỰ DO NHẤT
Sau khi buổi họp lớp kết thúc, ra đến bãi đỗ xe, tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh anh bạn tên Thành dắt con xe đạp ra khỏi bãi. Phải nhắc ở đây một chút là nhà Thành rất giàu. Bản thân cậu ấy cũng đang làm việc ở một công ty nước ngoài, thu nhập thuộc diện top đầu.

Tôi không ngờ cậu ấy lại không lái một con siêu xe cực xịn nào đó đến chỗ họp lớp, vì điều này xem chừng không hợp phong cách mấy người thuộc hội thành công, sang chảnh cho lắm. Thành cười to rồi nói với tôi vì nhà nó khá gần nhà hàng tổ chức họp lớp, đoạn đường này lại vừa bé vừa xóc nên đi xe đạp dễ hơn, coi như tranh thủ rèn luyện cơ thể luôn.

Tác giả Alain de Botton của Anh từng viết: “Chúng ta ai cũng sợ mất đi thân phận địa vị của chính mình, bởi vì nó quyết định độ chân thành mà người khác dành cho bạn.”

Cuộc sống ồn ào, chức vụ sang hèn, thu nhập thấp cao, hôn nhân buồn vui, con cái ngoan hư, điều gì cũng có thể khiến chúng ta phải đau đầu. Vì đuổi theo tiêu chuẩn của xã hội, chúng ta luôn phải sống sao cho tốt hơn hàng xóm, nổi tiếng hơn đồng nghiệp, giàu có hơn họ hàng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *