1. Ngủ đủ giấc giúp tăng miễn dịch cho bé
Đầu tiên, bố mẹ phải cho bé ngủ đủ giấc. Giấc ngủ trọn vẹn giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ em, tái tạo sức khỏe và tránh căng thẳng. Thời gian ngủ ở trẻ cần được đáp ứng tùy theo độ tuổi:
- Trẻ sơ sinh: Từ 18 đến 22 tiếng mỗi ngày.
- Trẻ từ 2 đến 5 tháng tuổi: Từ 15 đến 18 tiếng mỗi ngày.
- Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi: Từ 14 đến 16 tiếng mỗi ngày.
- Trẻ từ 12 đến 36 tháng tuổi: Từ 10 đến 12 tiếng mỗi ngày.
- Trẻ lớn và người lớn cũng phải đảm bảo ngủ khoảng 7 – 8 tiếng mỗi ngày.
Nên cho trẻ ngủ và dậy sớm, buổi trưa cũng nên dành một khoảng thời gian ngắn để nghỉ ngơi. Hãy tranh thủ hoàn thành công việc và cho bé ngủ đúng giờ. Hạn chế tổ chức các bữa tiệc liên hoan, gây ra tiếng ồn làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé.
2. Dành thời gian cho bé vận động
Vận động là một trong các biện pháp tăng cường miễn dịch cho trẻ hiệu quả, giúp cơ thể trẻ săn chắc, khỏe mạnh. Hãy dành thời gian đi bộ với bé, đi dạo quanh xóm, hay công viên gần nhà. Tham gia các trò chơi vận động và đi du lịch cũng là cơ hội để bé vận động nhiều.
Nếu ở nhà, hãy cho bé phụ giúp bạn bằng những công việc vừa sức với bé như: dọn dẹp, lau dọn nhà cửa, chuẩn bị bàn ăn… Đôi khi đó cũng là cách vận động mà bé rất thích. Chú ý để mắt đến bé để tránh những tai nạn đáng tiếc trong quá trình sinh hoạt.
3. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Các loại thức ăn dự trữ cần để riêng loại sống, loại chín, chia từng phần vừa đủ cho một bữa ăn để tránh dư thừa, nấu đi nấu lại sẽ dẫn đến ngán và mất chất. Tránh để thực phẩm quá lâu dễ gây ngộ độc do vi khuẩn phát triển. Không nên dùng các loại thực phẩm có nhiều chất bảo quản, màu sắc sặc sỡ không rõ nguồn gốc, vì sẽ dễ gây ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch của bé, dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, ngộ độc.
Khi đi chơi với bé, hãy chọn thức ăn đảm bảo vệ sinh, chế biến sạch sẽ, tốt nhất là chỉ ăn những thức ăn nấu chín. Trường hợp bé khó ăn, nên mang theo một ít thực phẩm ăn liền bé thường ăn hàng ngày, để kết hợp cùng với thức ăn có sẵn ở các địa điểm tham quan. Tập cho bé thói quen rửa tay đúng cách trước khi ăn.
XEM THÊM: Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ mầm non – mẫu giáo
4. Tăng miễn dịch cho bé bằng cách uống đủ nước
Trẻ em thường ham chơi, hiếu động và rất hay quên uống nước, khiến cho cơ thể không thanh lọc được hết các chất có hại. Thiếu nước làm cơ thể trẻ mệt mỏi, dễ sinh bệnh. Nước cũng là tác nhân giúp cho đường hô hấp hoạt động hiệu quả, ngăn sự xâm nhập của virus và vi khuẩn gây bệnh vặt. Do đó, cần nhắc trẻ uống nước thường xuyên, ăn trái cây, uống sữa để đáp ứng đủ lượng nước mỗi ngày.
5. Cung cấp đủ đầy đủ các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ cần có đầy đủ năng lượng, chất đạm, chất béo, tinh bột. Nên cho trẻ ăn đúng bữa, không nên xáo trộn bữa ăn của trẻ. Nếu trẻ chán ăn, bỏ bữa thì có thể tạm thay bằng sữa. Hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều đường vì sẽ làm trẻ dễ bị ốm. Ngoài ra bố mẹ cũng không nên cho trẻ uống nhiều nước ngọt, nước ép trái cây có đường, nước đá,… do nguy cơ gây viêm đường hô hấp.
Cho con bú là biện pháp tăng cường miễn dịch cho trẻ tốt nhất. Trong sữa mẹ có chứa nhiều dinh dưỡng và kháng thể cần thiết, giúp trẻ phòng tránh viêm họng và viêm đường tiêu hoá.
Các vitamin có lợi nhất, giúp tăng hệ miễn dịch cho bé, đề phòng trẻ khỏi nguy cơ mắc các bệnh vặt là vitamin C, D, A:Cam, chanh, bưởi, quýt là những loại trái cây chứa nhiều dưỡng chất bảo vệ, giàu vitamin C và bioflavonoids, giúp phòng chống cảm cúm, cảm lạnh hiệu quả. Vitamin C có thể làm giảm triệu chứng của cảm lạnh, cảm cúm và đặc biệt hiệu quả khi trẻ mới chớm bệnh. Bioflavonoid là một nhóm hợp chất có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, bảo vệ tế bào không bị thương tổn. Một lợi ích khác của các loại quả này là chứa rất ít calo, do đó giúp tránh được tình trạng bé tăng cân quá mức. Vitamin C cũng có chứa trong các loại rau quả tươi
Vitamin A giúp hỗ trợ bé chống chịu nhiều loại bệnh tật. Beta-carotene chính là một dạng tiền chất của vitamin A. Bí ngọt, bí đỏ, bí ngô, bí bao tử, khoai lang, khoai tây là những nguồn cung cấp beta-carotene dồi dào. Trong khoai còn có nhiều magie, một loại vi chất có tác dụng chống căng thẳng, giúp bé có tâm trạng thư giãn hơn và vào giấc ngủ dễ hơn, để từ đó cơ thể mau phục hồi sau khi vận động. Ngoài ra, beta-carotene cũng có nhiều trong các loại rau màu xanh đậm, các quả màu vàng đỏ. Do đó, cho trẻ ăn nhiều rau và hoa quả tươi là cách tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, rau, củ, quả cũng cung cấp nhiều chất xơ, giúp ngăn ngừa táo bón, hạn chế lên cân, ổn định đường ruột, phát triển hệ vi khuẩn có lợi và tăng sức đề kháng.
Vitamin D không chỉ hỗ trợ cho sự phát triển của xương, phát triển chiều cao mà còn tham gia vào hệ thống miễn dịch cơ thể. Trẻ em khi được bổ sung vitamin D hàng ngày sẽ giảm được 40% nguy cơ mắc virus cúm so với những đứa trẻ khác. Vitamin D được tổng hợp chủ yếu khi da trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vì vậy bố mẹ nên cho trẻ ra ngoài chơi mỗi ngày dưới trời nắng dịu. Ngoài ra, có thể tăng cường vitamin D cho trẻ bằng các loại cá béo như cá hồi, sữa hay thực phẩm có bổ sung vitamin D.
Kẽm là một khoáng chất giúp tăng miễn dịch cho bé. Kẽm có nhiều trong thịt, cá, hàu, sữa, trứng, nấm, các loại đậu. Kẽm có tác động kích thích sản sinh ra bạch cầu, giúp tăng cường hiệu quả kháng khuẩn.
Axit béo omega-3 giúp giảm triệu chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ, cải thiện giấc ngủ và tăng cường chức năng não, đồng thời giúp ngăn ngừa và giảm cảm giác trì trệ, mệt mỏi. Omega-3 có nhiều trong các loại cá béo như cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá basa.
Bố mẹ cũng nên bổ sung cho bé những lợi khuẩn tiêu hóa, chúng có tác dụng tăng cường miễn dịch đường ruột. Mỗi ngày, nên cho bé ăn thêm 1 – 2 lần sữa chua, bổ sung thêm thực phẩm giàu chất xơ để phát triển hệ vi khuẩn có lợi.
Để tăng miễn dịch cho bé, bố mẹ nên chủ động hơn thông qua nguồn dinh dưỡng hợp lý. Tránh để trẻ bị thiếu vi chất vì điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoàn thiện của hệ miễn dịch.
Ngoài chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Cha mẹ nên bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,… giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.